Ẩm thực Pù Luông - Thứ quà dân dã của vùng núi Tây Bắc

Pù Luông không chỉ lưu giữ “linh hồn” của rừng già mà còn là nơi sinh sống và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Giống như các vùng rẻo cao của Tây Bắc, Pù Luông nhiều món ngon độc đáo như: vịt Cổ Lũng, cơm lam, măng rừng, gà đồi, rượu ngô,… Dưới bàn tay chế biến của người dân nơi đây, những sản vật “cây nhà lá vườn” giản dị, những loại rau hoang dại mọc lên từ nắng gió miền sơn cước đã được kết hợp khéo léo, tạo nên những món ăn tuy mộc mạc nhưng nồng nàn hương sắc đại ngàn.



Vẻ yên bình của thung lũng Pù Luông

Đến Pù Luông, bạn thỏa sức thả hồn bồng bềnh cùng những áng mây phiêu lãng hay lang thang khám phá vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, nhưng bạn cũng đừng quên thưởng thức những món ăn siêu độc, siêu lạ, siêu ngon nơi đây nhé! Mùa nào thức nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật được miền đất Tây Bắc hoang sơ và hào phóng ban phát cho như: cá suối, măng đắng, măng ngọt, cải ngồng…
Nổi tiếng nhất của vùng Pù Luông chính là cơm lam kèm thịt nướng. Cơm lam được chế biến từ gạo mới, vừa thơm, vừa dẻo được nấu trong ống tre rừng. Thịt ba chỉ  được lấy từ heo cỏ, thái vừa ăn, ướp gia vị rồi quấn lá bưởi bên ngoài, kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, tỏa mùi thơm cực kì quyến rũ. Thưởng thức cơm lam ăn kèm thịt nướng, muối vừng, bạn không chỉ cảm nhận được vị dẻo thơm của gạo nương mới, mà còn thấy vị thơm mát của tre rừng, vì ngọt thanh của nước suối… Tất cả làm nên một hương vị rất riêng cho cơm lam Pù Luông.

Cơm lam ống tre của người Thái ở Pù Luông

Một món ăn khác nhất định phải thưởng thức khi đến Pù Luông chính là vịt Cổ Lũng (thường gọi là vịt suối). Đây là giống vịt đặc trưng của xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc và mềm. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon, từng thớ thịt đều mềm và ngọt đọng lại trên đầu lưỡi. Chính vì thế, vịt Cổ Lũng còn gọi là vịt “Tiến vua”, đủ để thấy sự quý hiếm và thơm ngon của món ăn này.


Đặc sản vịt tiến vua xứ Thanh

Đặc biệt hơn khi vịt được chế biến với nhiều loại cây rừng địa phương, trong đó phải kể đến món vịt om măng rừng. Măng của núi rừng Tây Bắc được xem là đặc sản vì giòn, ngọt; kết hợp với thịt vịt mềm, thơm đã tạo nên món ăn rất đặc sắc người dân tộc Thái ở vùng Pù Luông.



Vịt om măng rừng

Do ở gần nguồn cung cấp thủy sản dồi dào là sông Đà và các sông suối phụ lưu, cá sông, cá suối là thực phẩm chính của đồng bào nơi đây. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món “pa-giảng” là cá hun khói, Pa pỉnh tộp (cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền, rất được trân trọng trong cộng đồng người Thái.



Cá suối nướng đượm hương vị núi rừng

Món “Pỉnh tộp” cũng gọi là cá nướng, nhưng thường làm bằng cá to như: chép, trôi, trắm... nhưng đặc trưng là mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá nướng chín vô cùng hấp dẫn bởi hương thơm của cá hòa quyện cùng vị cay của ớt, vị nồng nàn của mắc khén, khiến vị giác của bạn sẽ được thăng hoa.
Một món ăn lạ miệng, nhưng dễ gây nghiện cho thực khách chính là món măng đắng Pù Luông. Măng có vị đắng được trồng ở nhiều ở vùng núi cao Tây Bắc. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở đây măng đắng có thể thu hoạch quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa mưa, măng đầu mùa bao giờ vị ngọt cũng sẽ nhiều hơn.



Măng đắng vị lạ miệng – món ăn gây nghiện của nhiều du khách

Măng đắng được chế biến làm nhiều món khác nhau như ngâm ớt, măng xào nhưng ngon nhất phải kể đến măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén. Măng lúc đầu ăn có vị đắng bùi, ai mới đầu ăn sẽ hơi khó ăn, nhưng càng nhai lâu bạn sẽ càng cảm nhận được vị ngọt bùi của măng. Cùng với đó, măng đắng là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe nên được mọi người rất ưa chuộng vị đắng.



Rượu cần cay nồng, đậm tình người xứ Thanh

Bên cạnh đồ ăn, Pù Luông còn có rượu cần cay nồng, đậm tình người xứ Thanh. Rượu được xem là “nguyên bản” dùng men tự chế từ các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp, nếp cẩm và nước suối. Để có rượu ngon không chỉ cần thời gian ủ, mà tùy vào từng vùng sẽ có các bí quyết riêng trong việc chọn lá và cách ủ làm sao cho rượu có được mùi thơm, độ cay, vị thanh ngọt và đậm đà. Có lẽ chính bởi thế nên rượu Pù Luông luôn có hương vị rất riêng, không lẫn với bất kỳ loại rượu nào khác. Rượu cần Pù Luông chắc chắn là thức uống không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Thái ở Pù Luông, bởi đó không chỉ đơn thuần là thứ đồ uống mà đó còn là thứ gắn kết con người nơi đây, tạo thành những bản tình ca về tình người giữa núi rừng xứ Thanh.

Bài viết cùng chuyên mục

Nữ doanh nhân Lê Thị Nga & Câu chuyện ra đời Resort Bocbandi

The Pu Luong Bocbandi Retreat is one of the top locations for groups to enjoy events and team building activities. With the strength of both climate and topography and the...

Cá suối nướng Pù Luông - Đặc sản “ăn là khoái”

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa là địa danh không quá xa lạ đối với những ai yêu thích du lịch khám phá. Nơi đây không chỉ được đánh giá là khu bảo tồn thiên...

Giải mã bí ẩn Chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái

Cùng với vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm, xà tích, cúc bạc..., khăn Piêu góp phần tạo nên sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Mỗi một hoa văn...

Xem tất cả

Liên hệ với chúng tôi