Giải mã bí ẩn Chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái

Cùng với vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm, xà tích, cúc bạc..., khăn Piêu góp phần tạo nên sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Mỗi một hoa văn như cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng. Chẳng thế mà khăn piêu không đơn giản là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tinh thần người dân tộc Thái.


 
Truyền thuyết người Thái kể rằng, ngày xưa, có một mường toàn con gái được gọi là Mường Mẹ, đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị sát hại. Một hôm, có một chàng trai tên Dốc lạc vào Mường Mẹ và được một cô gái xinh đẹp tên Ban yêu thương, che chở. Hai người quyết tâm vượt qua những quy định ngặt nghèo từ bao đời để cùng chung bếp lửa. Họ bàn bạc với nhau, rồi chàng trai về thưa với Mường Cha.
Mường Cha cho đây là duyên trời bèn cùng nhau sang thưa chuyện cùng Mường Mẹ. Mường Mẹ quyết tâm giữ luật tục từ ngàn đời. Mường Cha đành dùng sức mạnh. Mường Mẹ đuối thế phải chấp nhận bỏ lệ cấm đàn ông và cho phép đôi trẻ xây dựng gia đình. Mường Mẹ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu khăn Piêu rồi in dấu vân tay làm chứng.
Từ đó, khăn Piêu trở thành "vật tín" cho tình yêu đôi lứa, là vật trang sức, sứ giả của tình yêu. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.
Chiếc khăn Piêu theo quan niệm của người Thái, là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người phụ nữ. Những người con gái trước khi về nhà chồng phải có khăn Piêu tự tay mình làm để kỷ niệm cho bố mẹ, họ hàng bên nhà chồng. Chính vì thế, phụ nữ Thái ai cũng được các bà, các mẹ hướng dẫn thêu khăn Piêu ngay từ bé. Từng đường kim mũi chỉ, từng màu sắc hoa văn đều được hướng dẫn kỹ càng, tỉ mỉ.


 
Phụ nữ Thái không thêu khăn Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian. Khăn Piêu được thêu theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, song cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn khăn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người thêu phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải có tư duy sáng tạo.
Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn Piêu là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn; cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa.
Khăn Piêu là sự kết hợp độc đáo khéo léo giữa màu sắc và hoa văn. Chỉ thêu khăn Piêu thường dùng chỉ tơ tằm nhuộm thành các màu sắc. Đó là sắc xanh của núi rừng, sắc vàng của ánh nắng, nương lúa, sắc trắng, sắc hồng của hoa thơm. Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn Piêu được dệt từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô, phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ.


 
Có 2 loại Piêu theo cách gọi của bà con. Một loại gọi là Piêu xôn được thêu đơn giản, không cầu kỳ, thêu chỉ đỏ xen kẽ xanh, đỏ, tím, vàng theo ô khổ vải, giữa các ô được thêu hình cây, quả trám và hoa... Một loại khăn Piêu nữa gọi là Piêu xéo được thêu cầu kỳ nhiều hoa văn rực rỡ phối các chỉ màu thêu trên nền 2 đầu khăn.
Các họa tiết trên khăn Piêu thường được thêu rất cầu kỳ, dễ dàng nhận ra những đường thêu hình hạt Trám (hình thoi) trên hầu hết các loại khăn Piêu. Bởi theo quan niệm của người Thái hạt Trám có ý nghĩa may mắn, bền vững. Các màu sắc trên khăn Piêu còn tượng trưng cho sự thủy chung giữa người vợ và người chồng.
Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái thường dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền khăn và đính cút piêu (tương tự biểu tượng Khau Cút trên nóc nhà sàn của người Thái) vừa để trang trí khăn Piêu đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi ma tà. Mỗi chiếc khăn có thể xem là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, tính cách của mỗi người phụ nữ.
Các cút Piêu được làm từ vải đỏ được cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải. Người cuộn phải rất khéo léo sao cho cút piêu này giống hình ngọn cây dương xỉ và thêu xen kẽ các chỉ màu, xanh, đỏ tím vàng…


 
Nổi bật trên chiếc khăn Piêu, ngoài những nét hoa văn lấy ý tưởng từ cuộc sống, thiên nhiên như: cỏ cây, hoa lá, chim muông, còn có những "cút piêu" (những nút bằng vải màu to bằng khuy áo, hình thù giống ngọn rau dớn cuộn tròn) và "sài peng" (những tua vải màu). "Cút piêu" đòi hỏi phải tỉ mỉ, cầu kỳ nên thường chỉ những người thành thạo mới biết làm. Có nhiều loại "cút piêu": "cút piêu " đôi, "cút piêu" ba, "cút piêu" năm và "cút piêu" bện thành chùm. "Piêu ba cút dành để tặng bà/Piêu năm cút dành để tặng thím" (tình ca dân tộc Thái). Khăn Piêu của người Thái Đen và Thái Trắng cũng có sự khác biệt. Người Thái Trắng thêu khăn Piêu không cầu kỳ, không đính cút và các họa tiết thường có biểu tượng hình chạc cây…


 
Ngoài việc thường xuyên được các cô gái Thái mang theo và sử dụng trong các ngày hội, hát giao duyên, múa xòe, làm vật mang theo cho người chết (nhằm chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người chết được siêu thoát lên thiên đàng), khăn Piêu còn là vật rất hữu ích trong đời sống hàng ngày, được người Thái dùng để che đầu khi nắng gió, giữ ấm người khi mùa đông lạnh giá...
Khăn Piêu là tác phẩm nghệ thuật, là biểu tượng tín ngưỡng của đồng bào Thái mang đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên và luôn được đồng bào Thái trân trọng, giữ gìn.

Bài viết cùng chuyên mục

Nữ doanh nhân Lê Thị Nga & Câu chuyện ra đời Resort Bocbandi

The Pu Luong Bocbandi Retreat is one of the top locations for groups to enjoy events and team building activities. With the strength of both climate and topography and the...

Ẩm thực Pù Luông - Thứ quà dân dã của vùng núi Tây Bắc

Pù Luông không chỉ lưu giữ “linh hồn” của rừng già mà còn là nơi sinh sống và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Giống như các vùng rẻo cao của...

Cá suối nướng Pù Luông - Đặc sản “ăn là khoái”

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa là địa danh không quá xa lạ đối với những ai yêu thích du lịch khám phá. Nơi đây không chỉ được đánh giá là khu bảo tồn thiên...

Xem tất cả

Liên hệ với chúng tôi