Về Pù Luông thưởng thức món ngon quên sầu “Nộm hoa ban”

Hoa ban, loài hoa vốn được mệnh danh là loài hoa vua của núi rừng Tây Bắc nói chung và Pù Luông nói riêng. Những cánh hoa trắng muốt, cũng có khi nhiều màu sắc sặc sỡ mang trong mình vẻ đẹp quyến rũ cùng mùi hương ngây ngất, rung rinh trước gió như mời chào mọi người đến với vùng đất này.

Hoa ban đã trở thành biểu tượng, đi sâu vào đời sống văn hóa và tiềm thức của bà con nơi đây. Ai đi đến vùng sơn cước này mà không chụp ảnh cùng hoa ban, không ngắm nhìn hoa ban thì thật đáng tiếc. Hoa Ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, là biểu tượng cho tình yêu thủy chung, trong sáng của chàng trai, cô gái Thái.



Ban đẹp là thế, tinh khôi là thế nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc nó lại gắn với những câu chuyện đặc biệt. Người Thái kể rằng để tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương tiếc với người anh hùng dân tộc Chương Han đã dũng cảm đứng lên chống lại các thế lực đàn áp, áp bức bóc lột tàn khốc, nhân dân đã buộc những mảnh khăn tang trên cành cây. Về sau trên những cành cây ấy như có phép màu đã hóa những chiếc khăn tang thành những bông hoa ban trắng muốt tuyệt đẹp.



Còn đối với người Tày, lại tương truyền một sự tích khác về hoa ban. Đó là mối tình giữa nàng Ban và chàng Khum. Do cha mẹ nàng Ban không đồng ý cho nàng lấy chàng Khum nghèo đói nên nàng đã bỏ đi. Nàng đi mãi, đi mãi, băng qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao mà không tìm được chàng Khum. Rồi sức nàng kiệt, nàng hóa thân vào đất và nơi nàng nằm mọc lên vô số cây và người ta gọi đó là cây Ban.
Chàng Khum sau khi đến chỗ hẹn không gặp được nàng Ban đã chạy đi tìm nàng, chàng đi hết đồi này đến đồi khác, gọi mãi mà không thấy nàng đâu. Chàng vừa đi vừa gọi cho đến khi kiệt sức và hóa thành con chim Lộc Khum. Từ đấy về sau mỗi mùa xuân về, hoa ban đua nở cũng là lúc chim Lộc Khum hót. Một tình yêu vĩnh cửu của hai người đã lay động cả đất trời và thiên nhiên.
Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường quanh năm suốt tháng, chỉ khi hoa mận, hoa đào đã lui dần theo mùa xuân ban mới lung linh khoe sắc trắng. Và cũng lạ, hình như ở đất vùng này này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Đến mùa hoa ban, họ lại tranh thủ những lúc đi nương về hái một giỏ hoa về chế biến thành những món ngon, đậm hương vị núi rừng như canh hoa ban nấu thịt băm, măng đắng xào hoa ban, xôi hoa ban,... nhưng ngon và lạ hơn cả là nộm hoa ban.
Món nộm hoa ban dậy mùi thơm sực nức của mắc khén hòa quyện cùng vị bùi giòn của những cánh hoa ban rừng đã tạo nên một hương vị riêng biệt trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao Tây Bắc, trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của bà con nơi đây mỗi độ xuân về.



Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị như chua, cay, đắng, ngọt, bùi… khiến cho người ăn cảm thấy kích thích vị giác. Khi thưởng thức, đầu tiên người ăn có thể cảm nhận được hương vị rất thơm và bùi của hoa ban, đặc biệt là mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị đặc trưng trong các món ăn thường ngày của người dân tộc Thái.
Nộm hoa ban chế biến khá cầu kì và quan trọng nhất là phải đủ nguyên liệu, bao gồm: Hoa ban tươi, cá suối, măng tươi, tỏi, ớt, riềng, mắc khén, muối…
Hoa ban mang về, người ta nhặt cánh và nhụy đem rửa qua rồi trần với nước nóng. Sau khi ráo nước, hoa được vò nát để chế biến món ăn. Măng làm nộm ngon nhất phải là măng nứa hoặc măng đắng, bóc sạch lớp vỏ ngoài, thái mỏng củ măng và luộc chín. Sau khi xắt nhỏ ngâm nước muối loãng, măng được luộc qua nước nóng rồi để ráo.
Để món ăn đảm bảo độ béo ngậy không thể thiếu thành phần cá suối nướng. Cá suối tươi ngon được nướng trên than củi, dưới lớp than hồng, những con cá suối dần chuyển màu đen xém và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Bà con thường nướng cá vừa chín tới sau đó gỡ lấy phần thịt nạc trắng ngần để làm nộm, có như vậy mới đảm bảo cá vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên.
Khi các nguyên liệu được sơ chế xong sẽ được người Thái cho vào một cái nồi lớn để trộn nộm. Hoa ban, măng, thịt cá suối sẽ được trộn nhẹ nhàng cùng với muối, riềng giã nhỏ, tỏi, ớt và hạt mắc khén xay nhỏ sau đó sẽ để khoảng 15p cho ngấm đều gia vị là có thể thưởng thức.
Khác với các loại nộm chua ngọt của người miền xuôi, khi làm món nộm hoa ban, để giữ lại tối đa mùi vị nguyên bản của các loại nguyên liệu trong chế biến món ăn, người Thái chỉ cho thêm chút muối tạo vị mặn vừa phải. Đó cũng là một trong những nét văn hóa ẩm thực nơi đây.



Khi thưởng thức nộm hoa ban, điều đầu tiên thực khách cảm nhận được là mùi rất thơm, đấy là mùi thơm trộn lẫn của riềng và mắc khén rừng – một loại hạt gần giống như hạt tiêu của người miền xuôi, sau đó vị bùi ngậy của hoa ban, giòn ngon của măng cùng vị ngọt béo của cá suối cứ thế “gây thương nhớ” cho vị giác khiến thực khách ăn một lại muốn ăn hai. Đặc biệt cái vị bùi bùi cùng màu trắng tinh khôi, mỏng manh của những cánh hoa ban cứ lưu lại trong trí nhớ khiến thực khách mãi không quên. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, tinh tế của con người nơi đây.

Bài viết cùng chuyên mục

Nữ doanh nhân Lê Thị Nga & Câu chuyện ra đời Resort Bocbandi

The Pu Luong Bocbandi Retreat is one of the top locations for groups to enjoy events and team building activities. With the strength of both climate and topography and the...

Ẩm thực Pù Luông - Thứ quà dân dã của vùng núi Tây Bắc

Pù Luông không chỉ lưu giữ “linh hồn” của rừng già mà còn là nơi sinh sống và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Giống như các vùng rẻo cao của...

Cá suối nướng Pù Luông - Đặc sản “ăn là khoái”

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa là địa danh không quá xa lạ đối với những ai yêu thích du lịch khám phá. Nơi đây không chỉ được đánh giá là khu bảo tồn thiên...

Xem tất cả

Liên hệ với chúng tôi